Kẻ quyền thần giết một ông vua, rồi lập một vua khác, thì cái ông vua được lập này, không thể không lo ngại có ngày mình cũng bị truất, bị giết như ông trước. đứa con nuôi bất nghĩa giết một cha, rồi lạy một người khác làm cha, thì cái người cha sau không thể không lo rằng sẽ đến lượt mình bị giết. Thế mà Hiến Đế biết sợ Đổng Trác, Trác lại không hề e dè Lã Bố. Đã không sợ, đã thâu nạp, mà không biết cố kết để giữ vững lấy lòng con nuôi! Trái lại, còn oán hận ra mặt, hận thù đến chỗ nổi xung cầm kích mà lao vào người, thế là tuyệt tình rồi! Đã tuỵêt tình ra mặt, mà khi bị giết còn kêu lớn: “Phụng Tiên con đâu? Cứu ta!” thì Đổng Trác quả là ngu ngốc vậy thay!
Vương Doãn dùng mưu, dùng lời, xui khiến Lã Bố giết Đổng Trác, thật là tuyệt diệu: khi thúc bách, lúc khoan thai, khi khiêu khích, lúc bỏ lửng. Lời bộc bạch, lời bàn ngang; khi giả lỡ lời, khi khuyên rồi lại can, khi nói thẳng vào đề, khi nói trái ngược để kích thích. Lời lẽ này so với những lời Lý Túc khuyên Bố giết Đinh nguyên quả là khéo léo hơn.
Người thời nay cho việc Thái Ung khóc Đổng Trác là việc bậy. Điều đó cũng phải. Nhưng nghĩ lại thì “tình” người có nguyên do, sự việc có căn cứ. Phàm đã là kẻ sĩ thì có thể chết vì tri kỷ của mình. Thử giả thiết: có người chịu ơn vua Kiệt, vua Trụ, ắt người đó coi Kiệt, Trụ như Nghiêu, Thuấn. Đổng Trác đã hậu đãi Thái Ung, Thái Ung coi Trác là kẻ tri kỷ, thì khi Trác chết, Ung vì nhỏ vài giọt nước mắt mà phải chết cũng còn hơn hạng người xu thời lật lọng thời nay. Khi thấy ai có thế lực cứ xô nhau vào nịnh. Đến khi người ta thất thế, liền quay mặt đi. Đó là chưa kể những kẻ phản bội còn trở dáo ném đá…nguyền rủa kẻ ân nhân thất thế nữa. So với hạng tiểu nhân đê tiện ấy thì Thái Ung còn đáng được gọi là…quân tử vậy.
Từ khi Lã Bố chết, về sau không ai biết Điêu Thuyền lưu lạc về đâu! Như thế là thế nào? Xin thưa: Khi đã thành công mà biết lui kịp thời, tức cũng như con thần long chỉ cho người đời thấy đầu, mà không thấy đuôi. Cái tuyệt diệu chính ở chỗ “hạ lạc” vậy. Còn nếu như cứ thắc mắc mà hỏi Điêu Thuyền lưu lạc về đâu, cuộc đời nàng kết liễu ra sao, thì xin hỏi lại rằng: sau khi quan đại phu họ Phạm cưỡi thuyền đi chơi khắp Ngũ Hồ, nào còn ai biết tung tích nàng Tây Thi ở đâu nữa?
Họ Trương vì không giết được Võ Tam Tư mà rồi bị hại. Đó là vì ác đảng không nên xá mà xá. Đến như Lý Thôi, Quách Tỵ đóng binh ở ngoài, thì Vương Doãn nên xá tội cho chúng quân, rồi sau sẽ dần dần trừ Thôi Tỵ. Nhưng Doãn đã ra tay quá gấp rút, gây nên sự “cùng tắc biến”. Cái bệnh của họ Trương là bệnh diên trì. Cái bệnh của Vương Doãn là bệnh nóng nảy.
(Lời bình của Mao Tôn Cương trong Thánh Thán Ngoại Thư)
#dongtrac #vuongdoan
Nhận xét
Đăng nhận xét