Sau chấn thương, ung thư là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở trẻ em. Tuy nhiên, nếu phát hiện kịp thời thì khả năng khỏi bệnh đạt tới 80%.
Tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, gánh nặng ung thư ngày càng trở nên nghiêm trọng, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới có xu hướng tăng.
Mặc dù ung thư ở trẻ em là nhóm bệnh tương đối hiếm gặp, số ca ghi nhận dưới 15.000 trường hợp và khoảng 1.500 trường hợp tử vong hàng năm trong nhóm trẻ em từ 0 đến 14 tuổi. Tuy nhiên, ung thư lại là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở trẻ em, sau chấn thương.
Theo bác sĩ Nguyễn Thùy Dung, chuyên khoa Ung bướu nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, ung thư trẻ em là bệnh lý ác tính hiếm gặp hơn so với người lớn, thường gặp nhiều ở nhóm < 5 tuổi. Một số loại ung thư trẻ em mang tính chất di truyền và liên quan đến đột biến gen. Tuy nhiên, đa số các bệnh lý này không phát hiện được nguyên nhân rõ ràng. Tỉ lệ khỏi bệnh ở trẻ em nhìn chung trong khoảng 70-80%.
Dưới đây là 6 loại ung thư phổ biến ở trẻ em theo thống kê của Very Well Health:
Ung thư bạch cầu: Đây là bệnh ung thư tủy xương, mô xốp bên trong xương. Có 2 loại ung thư bạch cầu chính ở trẻ em, gồm ung thư bạch cầu dòng tủy cấp tính và ung thư bạch cầu nguyên bào lympho.
Ung thư bạch cầu dòng tủy cấp tính chiếm khoảng 25% các loại ung thư bạch cầu, phát sinh trong suốt thời thơ ấu nhưng phổ biến trong 2 năm đầu đời của trẻ; ung thư bạch cầu nguyên bào lympho chiếm hầu hết 75% các trường hợp ung thư bạch cầu còn lại, phổ biến nhất ở độ tuổi từ 2-5 tuổi. Trẻ mắc ung thư bạch cầu có triệu chứng như sốt, bầm tím, nhiễm trùng thiếu máu, dễ chảy máu.
Khối u não: Loại ung thư phổ biến thứ hai ở trẻ em là u tủy sống và u não. Đây là một loại ung thư có nhiều nhóm nhỏ với đặc điểm và phương pháp điều trị khác nhau. Theo số liệu thống kê nhanh về khối u não và tủy sống ở trẻ em của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, trẻ em có khối u não tỷ lệ sống sót sau 5 năm khoảng 75%, trong đó tỷ lệ bé mắc mới ung thư não mỗi năm khoảng 26%.
Các triệu chứng của khối u não ở trẻ em có thể bao gồm đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, nhìn mờ hoặc nhìn đôi, chóng mặt, co giật, khó đi lại, khó cầm nắm đồ vật.
Ung thư thận: Ung thư thận, được gọi là u nguyên bào thận và khối u Wilms, phát triển từ các tế bào chưa trưởng thành thận, có chức năng lọc nước, muối, chất thải thừa ra khỏi máu.
Khối u Wilms phổ biến nhất ở trẻ em 3-4 tuổi, trẻ gái mắc nhiều hơn trẻ em trai. Cha mẹ nếu thấy trẻ bị sưng tấy hoặc có khối u ở bụng, sốt, buồn nôn hoặc kém ăn, có thể cho trẻ đi tầm soát nguy cơ mắc ung thư thận.
Ung thư máu: Với ung thư máu, các khối u thường nằm trong các mạch và hạch của hệ thống bạch huyết. Hai loại u lympho chính tương đối phổ biến ở trẻ em: u lympho không Hodgkin (NHL) và u lympho Hodgkin (HL). Cả trẻ em và người lớn đều mắc ung thư máu, tuy nhiên tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở trẻ em là 91%. Loại ung thư này phổ biến nhất ở thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15-19. Những triệu chứng của u bạch huyết bao gồm giảm cân, sốt, đổ mồ hôi, mệt mỏi và nổi cục dưới da ở cổ, nách hoặc bẹn.
Ung thư xương: Ung thư xương phổ biến nhất ở thanh thiếu niên. Có 2 loại ung thư xương trẻ hay gặp nhất là u xương và sarcoma Ewing. U xương phát triển từ phần cuối của xương chân và cánh tay, phần xương dài ra khi trẻ cao lên. Ewing sarcoma ít phổ biến hơn và thường bắt đầu ở xương hông, xương sườn, bả vai hoặc ở giữa xương chân.
Các triệu chứng của ung thư xương bao gồm đau xương trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm hoặc khi hoạt động, sưng tấy quanh xương.
Khối u mắt: Khối u mắc hay còn gọi là khối u nguyên bào võng mạc, được tìm thấy nhiều nhất ở trẻ nhỏ khoảng 2 tuổi. Những khối u này hiếm tìm thấy ở trẻ em trên 6 tuổi. Khối u mắt xảy ra do khiếm khuyết bẩm sinh hoặc đột biến dòng mầm. Những khối u này thường chỉ xảy ra ở một bên mắt. Các triệu chứng của ung thư mắt bao gồm màu khác nhau trong đồng tử, mắt chéo và đau mắt.
Nhận xét
Đăng nhận xét