Vợ có thể đẹp hoặc không, nhưng nhất định phải có tính cách tốt, nếu không cả một cơ đồ, sự nghiệp sẽ bị huỷ hoại trong chốc lát.
Đàn ông lấy được vợ đẹp "nở mày nở mặt" đấy, nhưng tiêu hoang, không tiết kiệm lại là đại hoạ: Tôi đã phải bán nhiều tài sản, BĐS vì... vợ đẹp!
Từng nắm trong tay rất nhiều BĐS rải khắp các thành phố lớn, ở tuổi ngoài 40, tôi quay về vạch xuất phát, làm lại từ hai bàn tay trắng sau cuộc ly hôn với cô vợ xinh đẹp, kém mình 9 tuổi.
Sau hơn 10 năm chung sống, chúng tôi vẫn chưa có con chung vì sự mải chơi của vợ. Vợ tôi luôn cho rằng cô ấy vẫn "còn quá trẻ" để sinh con, và thường lấy lý do rằng những phụ nữ hiện đại thường sinh con muộn, khi tâm lý đã sẵn sàng.
Tôi là người được học hành đàng hoàng, nên rất tôn trọng phụ nữ, dù luôn yêu thương trẻ con và muốn trong nhà có tiếng trẻ, nhưng tôi cũng không hề thúc giục vợ mà để cô ấy tự quyết định. Bởi thế, đến khi chia tay, chúng tôi vẫn chẳng có đứa con nào để ràng buộc.
Vợ tôi từng là hoa khôi của trường đại học có tiếng ở Hà Nội, tôi cũng khá vất vả để theo đuổi vợ tôi từ khi cô ấy còn là sinh viên. Được thừa hưởng cơ ngơi hoành tráng từ cha mẹ, tôi sớm đã trở thành một ông chủ lớn khi tuổi còn trẻ, và tất nhiên, sự chiều chuộng bằng vật chất của tôi đã khiến cô hoa khôi xiêu lòng.
Chúng tôi kết hôn khi vợ tôi còn chưa tốt nghiệp. Từ sau khi kết hôn, toàn bộ chi phí học hành của vợ đều do tôi chi trả. Tôi đã trả tiền để cô ấy tốt nghiệp, rồi tiếp tục học lên thạc sĩ. Sau khi có bằng cấp trong tay, vợ tôi cũng chẳng phải lo lắng chuyện việc làm như nhiều người khác, bởi cô ấy đã được tôi "trải thảm đỏ" rước về công ty, trở thành phó giám đốc.
Tuy giữ một chức vụ không nhỏ, nhưng vợ không thực tế không cần đến công ty, cũng chẳng mảy may quan tâm tới công việc. Cô ấy dành tất cả thời gian cho những thú vui riêng như shopping, du lịch, tụ tập bạn bè, đi spa, làm đẹp… Mỗi khi có người nhắc nhở, vợ tôi thường cho rằng chúng tôi đã đủ giàu để không cần quá quan trọng việc kiếm tiền, thay vào đó, hãy hưởng thụ cuộc sống như giới thượng lưu thực thụ. Việc ấy cũng chẳng có gì là đáng nói nếu như thú vui và sự hưởng thụ của vợ tôi có một điểm dừng nhất định, song cô ấy lại tiêu xài như thể chúng tôi sở hữu một chiếc máy in tiền vậy.
Chúng tôi giàu có, dư thừa, nhưng cũng không quá giàu đến nỗi có thể tiêu xài hoang phí mà không cần phải làm việc. Tiền không tự nhiên sinh ra, hoạt động của các công ty cũng không phải là một dây chuyền tự động mà không cần sự quản lý, giám sát… nhưng dường như vợ tôi chẳng hề để tâm đến chuyện đó. Cô ấy đã quen với việc được chu cấp và không bao giờ phải quan tâm đến chuyện kiếm tiền.
Những buổi tiệc tùng của vợ tôi với giới thượng lưu ngày càng trở nên xa xỉ hơn. Nó giống như một cuộc đua xem ai "chịu chơi hơn", ai nhiều tiền hơn. Số tiền mỗi người bỏ ra để tổ chức một bữa tiệc, một buổi ăn chơi dường như là cách để vợ tôi và đám bạn trọc phú của cô ấy thể hiện "đẳng cấp" của mình. Cứ thế, rất nhiều tiền trong gia đình đã "đội nón ra đi" một cách vô nghĩa.
Cuối cùng, vợ tôi mang danh nghĩa của tôi và công ty để vay nợ rất nhiều nơi, nhằm phục vụ những cuộc vui xa xỉ. Đến khi tôi phát hiện ra thì số nợ đã sinh sôi thành một con số khổng lồ, buộc tôi phải bán đi nhiều tài sản, BĐS để trả nợ. Nhưng vợ tôi vẫn không vì thế mà hồi tâm chuyển ý, cô ấy còn bị ám ảnh bởi mĩ phẩm và những phương thức làm đẹp đắt đỏ. Chỉ quan tâm chăm lo cho nhan sắc, vợ tôi ngày càng giống với những người bạn "trọc phú" của cô ta: thiếu hiểu biết, phông văn hoá hạn hẹp song lại rất muốn tỏ ra sang trọng, quý phái. Ngoài cái vỏ đẹp đẽ thì bên trong họ rỗng tuếch và nhạt nhoà.
Thú thực rằng ban đầu, tôi đến với vợ mình bởi nhan sắc của cô ấy, nhưng sau nhiều năm chung sống, tôi mới nhận ra rằng, nhan sắc không phải là thứ quan trọng nhất của người phụ nữ, đặc biệt là nó không nên trở thành tiêu chí để chọn vợ. Tôi đã đọc ở đâu đó rằng, nếu một người đàn ông "lấy nhầm" vợ, anh ta sẽ huỷ hoại cả 3 thế hệ: bố mẹ mình, bản thân mình và con cái mình. Đến lúc đó, tôi mới cảm thấy may mắn vì chúng tôi chưa có con chung.
Trong suốt thời gian chung sống, một người vợ đẹp chẳng mang lại cho tôi điều gì giá trị, ngược lại, cô ta còn khiến tôi trở nên khánh kiệt, và sau đó thì sẵn sàng bỏ đi theo một người đàn ông giàu có khác. Có lẽ đó cũng là bài học cho sự nông cạn của tôi khi chọn một người vợ đẹp thay vì một người vợ có tri thức, có tính cách tốt. Nhiều lúc, tôi đã tự hỏi rằng, nếu như kết hôn với một người phụ nữ khác, có thể không quá đẹp nhưng có nhiều phẩm chất khác, có lẽ tôi đã chẳng gặp "đại họa" như thế này!
(Trích thư độc giả Nguyentienq....@gmail.com)
Doanh nghiệp và tiếp thị
Nhận xét
Đăng nhận xét