Mọi người đều có lúc đưa ra những quyết định tồi. Tuy nhiên, một số người có khả năng đưa ra quyết định tốt hơn, giúp họ tiến gần hơn đến thành công. Những cá nhân này không bị chi phối bởi cảm xúc, ham muốn hoặc linh cảm. Thay vào đó, họ dựa vào kỹ năng phân tích của mình để vượt qua thử thách, dù mọi sự có khẩn cấp hay phức tạp ra sao.
Kỹ năng phân tích là gì?
Theo ông Richards J. Heuer Jr., cựu chiến binh của CIA, "Tư duy phân tích là một kỹ năng cũng giống như nghề mộc hay lái xe hơi. Nó có thể được giảng dạy, học tập và cải thiện thông qua thực hành. Nhưng không giống như các kỹ năng khác, kỹ năng phân tích không được học bằng cách ngồi trong lớp để được hướng dẫn phương pháp. Các chuyên gia phân tích luôn học thông qua thực hành.”[1]
Kỹ năng phân tích có thể coi là một trong những kỹ năng sống quan trọng không được dạy trong trường học.[2] Nó bao gồm khả năng hình dung, tư duy phản biện, khả năng thu thập và xử lý thông tin. Dưới đây, ta sẽ phân tích sâu hơn về một vài trong số những khả năng này:
• Hình dung – Gắn liền với năng lực sáng tạo của con người, hình dung là khả năng dự đoán kết quả có thể có của các chiến lược và hành động. Một cách chuyên nghiệp, quá trình hình dung liên quan đến việc phân tích dữ liệu - thường là thông qua các hình minh họa như biểu đồ, đồ thị và danh sách chi tiết.
• Tư duy phản biện - Nói một cách đơn giản, người có tư duy phản biện có thể được nhận thấy qua sự nhất quán của họ trong việc đưa ra các quyết định hợp lý. Kỹ năng này liên quan đến khả năng đánh giá thông tin, tìm kiếm những gì hữu ích và rút ra kết luận mà không bị chi phối bởi cảm xúc. Là người có tư duy phản biện, bạn sẽ nhận thấy bản thân luôn phản bác lại các lời nhận định và tìm ra sơ hở trong các giải pháp được đề xuất.
• Tính toán – Dù muốn hay không, bạn cần phải quen làm việc với các con số nếu muốn mài giũa kỹ năng phân tích của mình. Hãy nhớ rằng tính toán bao gồm các kỹ năng khác như phân tích chi phí, lập ngân sách và thực hiện các bài tính chung. Trong kinh doanh, bạn cần sử dụng đến các tính toán khi cân nhắc rủi ro và lợi ích của bất kỳ chiến lược nào.
• Giải quyết vấn đề – Hãy nhớ rằng các kỹ năng phân tích được sử dụng không chỉ để hiểu vấn đề mà còn để phát triển kế hoạch hành động phù hợp nhất. Điều này liên quan đến kỹ năng thiết lập mục tiêu của bạn, bao gồm việc chia nhỏ và sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các mục tiêu.
• Quản lý nguồn lực – Cuối cùng, kỹ năng phân tích yêu cầu ở một mức độ nhất định khả năng quản lý nguồn lực dựa trên công việc của bạn. Ví dụ, các chuyên gia có lịch trình chặt chẽ phải biết cách quản lý hiệu quả thời gian của chính họ - một trong những nguồn lực quan trọng nhất trên thế giới. Mặt khác, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải biết cách quản lý các nguồn lực của công ty, bao gồm tiền nong và nguồn nhân lực.
Lưu ý rằng định nghĩa về kỹ năng phân tích có thể thay đổi để phù hợp với yêu cầu của một tình huống cụ thể. Ví dụ: khi thuê một nhà phát triển web, các kỹ năng phân tích có thể bao gồm khả năng xác định nhu cầu của người dùng trực tuyến, hiểu cách phân tích nhằm tối ưu hóa trang web, cũng như xác định các yếu tố trực quan phù hợp với thương hiệu của công ty. Tuy nhiên, bộ kỹ năng ở trên nên được áp dụng trong hầu hết, nếu không phải tất cả các trường hợp.
Phát triển các kỹ năng phân tích để có nhiều cơ hội phát triển hơn
Không có gì để nghi ngờ về việc quyết định đúng đắn sẽ dẫn đến kết quả tích cực. Không quan trọng là bạn đang điều hành một doanh nghiệp hay chỉ đơn giản cố gắng leo lên cấp bậc cao hơn trong công ty. Bằng cách rèn luyện kỹ năng phân tích, bạn sẽ tạo cho mình nhiều cơ hội phát triển hơn, cũng như tránh xa những hành động vặt vãnh có thể khiến bạn hối tiếc.
Lấy ví dụ: bạn có kế hoạch khởi động một startup mới trong cộng đồng địa phương của mình - nhưng gặp khó khăn trong việc quyết định thị trường ngách mà bạn muốn đầu tư. Là một tín đồ công nghệ cả đời, một phần trong bạn muốn đầu tư lập một cửa hàng tiện ích. Bạn nghĩ rằng: Miễn mình đam mê kinh doanh thì thành công sẽ đến - đúng không?
Nếu có kỹ năng phân tích sắc bén, bạn sẽ bắt đầu đánh giá kế hoạch của mình theo những chiều hoàn toàn mới. Các kết quả có thể xảy ra của kế hoạch đầu tư này là gì? Liệu thị trường địa phương có nhu cầu cho một cửa hàng tiện ích mới? Tôi cần bao nhiêu để bắt đầu - và tôi nên bán bao nhiêu để kiếm lợi nhuận? Tùy thuộc vào kết quả tính toán, bạn có thể xác định được tính khả thi của ý tưởng kinh doanh của mình mà không bị cản trở bởi cảm xúc cá nhân.
6 cách để phát triển các kỹ năng phân tích
Có nhiều cách tiếp cận để phát triển một kỹ năng phân tích riêng lẻ. Chẳng hạn, các nhà tâm lý học đồng ý rằng đọc các tác phẩm văn học kỳ ảo khi còn bé có thể giúp cải thiện tư duy phản biện.[3] Nghiên cứu cũng cho thấy rằng hoạt động giáo dục truyền thống có ảnh hưởng tích cực đến chỉ số IQ và kỹ năng phân tích của ta.[4]
Thế nhưng khi đã trưởng thành, những cơ hội như vậy để trau dồi kỹ năng phân tích của bạn là không còn nữa. Đó là lý do tại sao bạn cần phải tự nghĩ ra một cách tiếp cận ý thức và chủ động hơn. Dưới đây là một số phương pháp để khởi đầu:
1. Xây Dựng Ý Tưởng Kinh Doanh – Phát triển ý tưởng kinh doanh có lợi nhuận, cho dù bạn có theo đuổi hay không, bao hàm trong đó rất nhiều thách thức. Bạn sẽ cần đến hàng loạt nghiên cứu, tính toán và kỹ năng giải quyết vấn đề để lập ra một kế hoạch kinh doanh cụ thể. Bạn có thể sắp xếp ý tưởng của mình bằng một công cụ ghi chú như Microsoft OneNote hoặc Evernote. Làm như vậy sẽ cho phép bạn đi sâu vào phân tích, sắp xếp các phát hiện của mình, tập trung vào các trở ngại cũng như cách giải quyết chúng.
2. Tận dụng các công cụ phân tích – Ngoài các công cụ ghi chú, bạn cũng có thể tận dụng các phần mềm khác để hỗ trợ công việc phân tích. Ví dụ, ứng dụng quản lý tiền Mint giúp bạn dễ dàng theo dõi thói quen chi tiêu cũng như quản lý ngân sách bằng các công cụ trực quan. Khi cần sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các mục tiêu, bạn có thể sử dụng các ứng dụng quản lý tác vụ đơn giản như Trello hoặc Wunderlist.
3. Có Thư viện học tập cá nhân – Nhờ sự phát triển của mạng Internet, bạn có một nguồn tài nguyên khổng lồ để tận dụng nhằm học tập các kỹ năng mới, mở rộng vốn từ vựng và rèn luyện kỹ năng hình dung của mình. Ví dụ, các mạng truyền thông xã hội như SlideShare và YouTube cung cấp hàng loạt hướng dẫn mà bạn có thể dùng để truy cập nội dung chính của mình. Để có một thư viện học tập cá nhân hóa, bạn có thể tải xuống các video trên Instagram hoặc các tập tin GIFs từ các tài khoản giáo dục như NASA Goddard và Hiệp hội toán học Hoa Kỳ. Nhưng nếu quan tâm đến một số kỹ năng mang tính kỹ thuật cụ thể, bạn có thể bắt đầu từ các nền tảng học tập trực tuyến như Coursera, edX, và Alison.
4. Tham gia các Cộng đồng trực tuyến - Internet là một nơi tuyệt vời để chia sẻ kinh nghiệm, ý kiến và đôi khi là các cuộc thảo luận đầy trí tuệ với những người cùng chí hướng. Chẳng hạn, Reddit có một mục gọi là "subreddit", dành riêng cho bất kỳ chủ đề nào có thể tưởng tượng ra - từ công nghệ đến khởi nghiệp. Để tham gia các cuộc tranh luận bài bản, bạn có thể truy cập các trang web như Debate.org và để người dùng khác bình chọn người chiến thắng thông qua phiếu bầu.
5. Tìm kiếm những kích thích tinh thần - Để giữ cho đầu óc của bạn nhạy bén, hãy tạo thói quen tham gia vào các hoạt động kích thích tinh thần như cờ vua, câu đố và các ứng dụng rèn luyện trí não. Một nguồn giải trí tuyệt vời là Lumosity, với hàng loạt những trò chơi trí não được thiết kế bởi các nhóm các nhà khoa học và nhà thiết kế trò chơi.
6. Viết nhật ký cá nhân - Cuối cùng, việc viết nhật ký cá nhân cho phép bạn nhìn lại mọi việc đã xảy ra trong ngày.[5] Hãy nhớ rằng viết về các trải nghiệm học tập cho phép bạn tập trung vào bài học hơn là cảm xúc. Nó sẽ giúp bạn phân tích cách bạn đưa ra quyết định, tại sao bạn đi đến một số kết luận nhất định và những gì bạn có thể làm để cải thiện trong tương lai.
Khi trưởng thành, bạn bắt buộc phải đối mặt với vô số thử thách hàng ngày. Công việc, trường học, kinh doanh, các mối quan hệ - danh sách này sẽ còn kéo dài nếu ta liệt kê hết nguồn gốc của các vấn đề trong cuộc sống. Với kỹ năng phân tích, bạn sẽ có thể đối đầu và vượt qua mọi trở ngại đứng giữa bạn và mục tiêu của mình.
Nhận xét
Đăng nhận xét