Cách giáo dục có tầm quan trọng rất lớn đối với tương lai của một đứa trẻ sau này. Cho dù đứa trẻ sinh ra trong gia đình giàu có, điều kiện vật chất đầy đủ đi nữa, nhưng nếu cha mẹ có những cách dạy dỗ sai lầm, con cái sau này lớn lên cũng rất khó thành tài.
Ngược lại, có những đứa trẻ sinh ra trong gia đình nghèo khó, nhưng được cha mẹ yêu thương, dạy dỗ đúng mực, hiểu đạo lý cuộc sống. Nên sau này khi bước vào đời, dù gặp khó khăn thế nào đi nữa, chúng cũng có thể tự mình vươn lên và trở thành người thành công trong xã hội.
Nếu gia đình bạn có một trong bốn biểu hiện sau, nhất định phải thay đổi ngay lập tức:
1. Gia đình thường xuyên đánh con
Ông bà xưa thường nói: "Thương cho roi cho vọt". Nhưng có nhiều bậc phụ huynh lại hiểu sai về ý nghĩa của câu nói này.
Đòn roi phải đi liền với bài học, và bạn phải kiểm soát được cảm xúc của mình khi dạy con cái.
Đặc biệt là các bậc phụ huynh có tính khí dễ nóng nảy, họ dạy con cái học nhưng chúng mãi vẫn không hiểu bài. Thế là cơn nóng nổi dậy, họ liền đánh con, cứ thế lâu dần thành quen. Đứa trẻ thì vẫn cứ không hiểu bài, cha mẹ thì chẳng giảng tiếp đã bực tức lôi con ra đánh.
Và rồi đứa trẻ sẽ ngày càng trở nên nhút nhát, thiếu tự tin, dù trên lớp thầy cô hỏi, chúng cũng không dám phát biểu.
Bởi vì "sợ sai", những đứa trẻ sẽ ngày càng sống "thu mình", không còn dám giao tiếp nhiều với cha mẹ nữa. Thậm chí việc học đối với chúng sẽ trở thành một cực hình.
Dạy con là một việc rất cực khổ và khó khăn, nhưng nếu chúng ta đã sinh, thì nhất định phải có trách nhiệm giáo dục đến nơi đến chốn. Tốt nhất là hãy hạn chế việc la mắng và đánh đập con cái. Nếu không chính bạn đang tự mình ép con cái đi vào những con đường không thể vãn hồi.
Người phương Tây có nhiều cách giáo dục con rất tốt. Ngay từ khi đứa trẻ biết nhận thức, họ đã dạy chúng những trò thể thao để tăng cường sức khỏe và tính dũng cảm. Dù đứa trẻ có ngã đau cỡ nào, họ cũng để chúng tự mình đứng dậy mà không vội vàng lại đỡ như nhiều phụ huynh ở Việt Nam.
Hơn nữa, khi con cái phạm sai, họ rất kiên nhẫn dùng lời nói, cũng như tình huống và trường hợp tương tự mà họ đặt ra để giáo dục con cái hiểu được vấn đề cũng như việc làm của mình.
2. Gia đình quá tiết kiệm
Có nhiều gia đình vì nghèo mà sống vô cùng tiết kiệm, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc. Lâu dần, thói quen đó ảnh hưởng đến đứa trẻ, khiến chúng nghĩ rằng xài tiền để mua những vật dụng chính đáng cho bản thân là một việc làm xa xỉ và đáng chê trách.
Khi lớn lên, thói quen đó ăn sâu vào tâm trí. Nếu giao tiếp với người khác, sẽ khiến bạn bè hay người yêu cảm thấy khó chịu vì thói quen cần kiệm quá mức này. Như câu chuyện người phụ nữ làm kế toán ở New York chỉ dám ăn đồ thừa từ nhà hàng, cũng như nhặt vật dụng ngoài bãi rác về sử dụng,...
Tiết kiệm là một đức tính tốt, nhưng mọi thứ nên có độ chừng mực nhất định.
3. Gia đình có xu hướng bạo lực
Có nhiều gia đình rất đáng chê trách, người cha thường xuyên ăn nhậu nên hay đánh con. Người mẹ vì áp lực với công việc bên ngoài nên trút giận vào con cái. Khiến đứa trẻ đáng thương đó phải sống những ngày áp lực và mệt mỏi.
Tôi từng nhìn thấy cảnh một người cha cầm ghế đánh con ngoài tiệm cơm chỉ vì đứa trẻ không nghe rõ lời ông nói.
Chẳng là hôm đó khách đến quán cơm khá đông, đứa nhỏ thấy có bàn trống bên ngoài liền vội đến ngồi rồi chờ người cha đến.
Bởi vì tiếng nói chuyện trong quán khá ồn ào, nên người con đã không nghe tiếng gọi vào bên trong của người cha.
Nghĩ con chống đối mình, người cha đã cầm ghế bước ra tính đánh vào đầu con.
Đứa trẻ ấy, là một cô bé tầm 8, 9 tuổi. Khi tôi đến can ngăn, đứa trẻ ấy không dám khóc thành tiếng, chỉ kịp van xin rồi dùng đôi mắt sợ hãi nhìn ngó xung quanh.
Bạn nói xem, tại sao trong một xã hội văn minh như vậy, vẫn có nhiều người làm cha, làm mẹ lại có xu hướng bạo lực lên con cái mà chính mình đã đẻ ra như thế?
Không chỉ có vậy, việc người cha thường xuyên đánh đập người mẹ cũng tác động rất lớn đến tâm lý của đứa trẻ.
Đó cũng là lí do tại sao rất nhiều đứa trẻ khi đã trưởng thành, chúng không còn dám tin vào tình yêu, tin vào gia đình, thậm chí chẳng dám tin vào con người nữa.
Có những người dùng tuổi thơ để chữa lành nỗi khổ trưởng thành, nhưng có nhiều người, lại dùng cả đời để chữa lành tuổi thơ.
Mong rằng bạn, những người làm cha làm mẹ, hãy có cách cư xử đúng đắn trong việc giáo dục con cái!
4. Gia đình ít bầu bạn với con cái
Thông thường, kiểu gia đình này thường xuất hiện ở những người giàu có, vì bận rộn với công việc mà cha mẹ hay bỏ bê và lơ là việc ở cạnh con cái.
Trước đây, khi còn là sinh viên, tôi từng dạy thêm cho một cậu bé.
Cậu nhóc chỉ mới học lớp 8, nhưng phải một mình sống trong căn nhà rộng 3 tầng. Ba mẹ đều sang nước ngoài làm việc, chỉ để lại bà giúp việc, nhưng thường bị cậu bé đuổi về.
Một năm, hai năm mới gặp mặt cha mẹ là chuyện bình thường với cậu nhóc. Thế nên, khi nhắc đến cha mẹ, cậu ta thường tỏ ra bất cần, không để tâm.
Tuy vậy, tôi biết rằng cậu bé rất nhớ cha mẹ mình.
Cậu bé rất thông minh, nhưng nó thường cố tình gây chuyện trong lớp để giáo viên gọi điện thông báo mời phụ huynh.
Vậy mà lần nào, cha mẹ nó cũng chỉ xin lỗi rồi bảo bận công việc, chưa về được!
Những đứa trẻ từ nhỏ đã sống thiếu thốn tình cảm khi trưởng thành thường rất khó hòa nhập vào xã hội. Chúng đã quen việc phải một mình nên không còn muốn giao tiếp với người xung quanh.
Nhưng để thành công, đi một mình mãi là điều rất khó, sẽ có nhiều lúc bạn cần sự hợp tác!
Chính vì vậy, mong rằng các bậc cha mẹ hãy có cách giáo dục con đúng đắn, để trẻ có cơ hội trưởng thành trong môi trường cởi mở, vui vẻ.
(Bài viết theo quan điểm cá nhân của tác giả)
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thịCopy link
Nhận xét
Đăng nhận xét