Thiên tài đầu cơ đẹp trai nhất phố Wall, được mệnh danh là "tiểu Buffett": Con đường lập nghiệp như trải thảm đỏ, kiếm hàng tỷ USD sau mỗi phi vụ gây tranh cãi
Thành công bậc nhất nhưng cũng gây ra nhiều tranh cãi bậc nhất - đó chính là thiên tài đầu cơ Bill Ackman, người được mệnh danh là "tiểu Buffett" của phố Wall.
Giới tài chính có lẽ không xa lạ gì với "The Big Short" - siêu phẩm từng nhận 5 đề cử Oscar kể về câu chuyện trước cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Một nhóm người ở phố Wall đã lợi dụng bong bóng thị trường lúc đó để kiếm khoản lợi nhuận khổng lồ từ thảm họa.
Trong số đó có cả người quản lý quỹ đầu cơ Michael (do nam diễn viên Christian Bele thủ vai). Bằng sự nhạy bén và liều lĩnh hiếm ai có, ông ta đã kiếm được 2,69 tỷ USD, trở nên giàu có chỉ sau một đêm.
Câu chuyện như vậy ở ngoài đời không thiếu, chẳng hạn như trường hợp của nhà đầu tư người Mỹ Bill Ackman. Người đàn ông 55 tuổi này là founder kiêm CEO của Pershing Square Capital Management - một công ty quản lý quỹ đầu cơ.
Bill Ackman có mặt trong danh sách tỷ phú từ rất sớm, từng xuất hiện trên trang bìa của Forbes. Ông còn được mệnh danh là "Tiểu Buffett", dần dần trở thành tượng đài trong ngành.
Sinh ra để trở thành tỷ phú
Ngay từ khi chào đời, Bill Ackman đã được an bài cho một số phận đầy hào quang "nam chính". Ông sinh năm 1966 trong một gia đình gốc Do Thái ở New York (Mỹ). Cha ông là người sáng lập Công ty tài chính bất động sản Ackman-Ziff Real Estate Group, mẹ là thành viên hội đồng quản trị của Lincoln Center.
Không chỉ xuất thân từ một gia đình giàu có, Bill Ackman còn sở hữu học vấn đáng nể. Ông tốt nghiệp loại ưu tại ĐH Harvard năm 1988, lấy bằng MBA tại Trường Kinh doanh Harvard năm 1992.
Trong những năm đầu lập nghiệp, Bill Ackman rất hâm mộ Warren Buffett, thường xuyên học hỏi thần tượng, nghiên cứu các chiến lược đầu tư khác nhau. Năm 1992. ông cùng bạn học của mình thành lập Công ty đầu tư Gotham Partners.
Chỉ 3 năm sau đó, vị doanh nhân này đã hợp tác với công ty bảo hiểm và bất động sản Leucadia National để đấu thầu xây dựng Trung tâm Rockefeller. Dù không giành được thương vụ vào thời điểm đó, danh tiếng của họ đang vang xa khắp nơi, thu hút không ít nhà đầu tư. Đến năm 1998, Gotham Partners đã quản lý khối tài sản trị giá 500 triệu USD.
Đang trên đà phát triển tốt thì Gotham Partners lại vướng vào kiện tụng với nhiều cổ động bên ngoài, khiến hoạt động của công ty gặp nhiều khó khăn. Năm 2002, Bill Ackman quyết định đóng cửa công ty. Chính quyền bang New York lẫn FBI đã tiến hành một cuộc điều tra, nhưng không phát hiện ra sai phạm.
2 năm sau, Bill Ackman quyết định trở lại. Ông cùng một số đối tác sử dụng khoản tiền 54 triệu USD để thành lập Pershing Square Capital Management. Ban đầu, cách thu lợi nhuận chính của công ty này là mua cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn, vận động ban quản lý tăng giá cổ phiếu, rồi bán các cổ phiếu này để kiếm lời.
Ngoài ra, Bill Ackman còn kiếm lời bằng cách bán khống. Trong cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn được thể hiện trong "The Big Short", nhà đầu cơ này đã kiếm được không ít lợi nhuận.
Bill Ackman dành 5 năm cho lĩnh vực bất động sản và kiếm về khối tài sản khổng lồ khi bong bóng vỡ vào năm 2008. Khi ngành bất động sản chạm đáy, ông vị doanh nhân này đã mua lại một số bất động sản lớn và quy hoạch chúng thành các trung tâm mua sắm và khu dân cư thương mại. Nhờ đó, khoản lợi nhuận Bill Ackman thu về đã tăng gấp vài lần.
Năm 2013, lần đầu tiên Bill Ackman xuất hiện trong danh sách tỷ phú. Năm 2014 lại là khoảng thời gian đột phá của quỹ, với tỷ lệ lợi nhuận của Pershing Square cao tới 40%. Quỹ cũng nhanh chóng đứng đầu BXH "Top 100 quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới" vào năm đó.
Theo truyền thông, Pershing Square sở hữu một lượng lớn cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, tiêu dùng, dịch vụ ăn uống... như Starbucks, Hilton, Burger King, Howard Hughes,... Nhờ đó, giá trị tài sản ròng của Bill Ackman đã đạt mức 2,9 tỷ USD.
Vị doanh nhân sở hữu phong cách sành điệu
Không chỉ đầu tư giỏi, Bill Ackman còn được đánh giá cao về ngoại hình, vóc dáng và trang phục. Cánh nhà báo thậm chí còn tặng ông danh hiệu "CEO đẹp trai nhất phố Wall".
Vị doanh nhân này rất giỏi trong việc giữ gìn vóc dáng. Ông yêu thể thao, đặc biệt là bộ môn tennis. Bill Ackman luôn toát lên hình ảnh của một người có tính tự giác cao, rất nghiêm khắc trong việc quản lý hình ảnh bản thân. Lúc nào xuất hiện trước công chúng, ông đều ăn mặc hết sức cẩn thận và trau chuốt.
Trang phục của Bill Ackman chủ yếu là màu đen, xám hoặc xanh đen - đúng quy củ và phù hợp với hình tượng một doanh nhân, nhưng tỉ mỉ đến từng chi tiết và kiểu dáng. Vị doanh nhân này chọn cách thể hiện cá tính của mình qua những chiếc cà vạt đủ loại họa tiết như chấm bị, sóng, hoa..., trông không quá nghiêm túc nhưng vẫn mang lại cảm giác thú vị.
Thiên tài đầu cơ này cũng có sở thích sưu tầm đồng hồ, nhất là 2 thương hiệu Patek Philippe và IWC. Đây cũng là những dòng đồng hồ đeo tay được giới doanh nhân vô cùng ưa chuộng.
Một trong số đó là chiếc Patek Philippe Ref. 5216P có giá hơn 800.000 USD (khoảng 18,3 tỷ VNĐ). Siêu phẩm này được tích hợp 3 chức năng hàng đầu là tourbillon, lịch vạn niên và bộ lặp phút, với lớp vỏ bạch kim sang trọng rất phù hợp với vị thế của một ông chủ.
Ngoài ra, Bill Ackman còn sở hữu một chiếc Patek Philippe Complications 5235G-001 khá lịch lãm, có giá khoảng 46.000 USD (khoảng 11 tỷ VNĐ). Siêu phẩm Nautilus bằng thép cực kỳ nổi tiếng của thương hiệu này tuy khá hiếm trên thị trường, nhưng cũng không làm khó được ông.
Bill Ackman từng khiến công chúng tò mò khi xuất hiện tại một quán ăn với chiếc IWC Pilot Chronograph phiên bản đặc biệt "Le Petit Prince". Siêu phẩm này vẻ ngoài cổ điển với mặt đồng hồ màu xanh đậm và dây đeo màu nâu có giá 5.900 USD (khoảng 132 triệu VNĐ). Chiếc IWC Wempe Regulator trị giá 11.900 USD (khoảng 273 triệu VNĐ) cũng thu hút sự quan tâm của doanh nhân này.
Say mê những người phụ nữ thông minh
Bill Ackman sở hữu một vẻ ngoài hấp dẫn và sự nghiệp thăng hoa, vậy nên không ít người tò mò kiểu phụ nữ nào sẽ chiếm trọn được trái tim ông.
Người vợ đầu tiên của ông là Karen Ann Herskovitz - một kiến trúc sư cảnh quan tài giỏi. Cặp đôi có với nhau 3 người con, nhưng đã chia tay vào cuối năm 2016, kết thúc cuộc hôn nhân kéo dài 25 năm của mình.
3 năm sau khi ly hôn, Bill Ackman tiếp tục lên xe hoa với Neri Oxman - kiến trúc sư, nhà thiết kế kiêm giáo sư tại MIT. Đây cũng là một người phụ nữ xuất sắc, nổi tiếng với các tác phẩm nghệ thuật và kiến trúc kết hợp giữa sinh học, khoa học máy tính và kỹ thuật vật liệu.
Hai người quen nhau qua sự mai mối của bạn bè và giảng viên ở ĐH Harvard, dù Bill lớn hơn Neri tận 10 tuổi. Họ được mệnh danh là một cặp trời sinh, bởi trong buổi hẹn hò đầu tiên, thiên tài đầu cơ này chỉ mất 5 giây để biết Neri là định mệnh đời mình.
Năm 2019, cặp đôi chào đón đứa con đầu lòng của mình. Bill Ackman từng công khai nói rằng sự nghiệp của ông ngày càng thành công là nhờ cuộc hôn nhân hạnh phúc này.
Bill Ackman khá kín tiếng về cuộc sống cá nhân của mình. Theo truyền thông, vị doanh nhân này đã bỏ ra 22,5 triệu USD (504 tỷ USD) để mua căn penthouse thuộc khu Upper West Side, Manhattan, New York. Ông và vợ đã tự thiết kế nội thất cho tổ ấm tình yêu này.
Trước đó, "tiểu Buffett" còn sở hữu 2 căn hộ cao cấp khác ở gần đó, với tổng giá trị gần 22,1 triệu USD. Năm 2013, ông đầu tư vào 2 căn penthouse tại "Tòa nhà tỷ phú" One57 có giá hơn 90 triệu USD.
Bill Ackman cũng tậu một chiếc chuyên cơ Gulfstream G550 trị giá hơn 60 triệu USD dành riêng cho doanh nhân để dễ dàng đi công tác đến các nước trên thế giới.
Cách kiếm tiền gây tranh cãi
Là một nhà đầu cơ liều lĩnh và ngạo mạn, Bill Ackman hiển nhiên cũng có không ít lần "ngã ngựa". Một trong những sai lầm nổi tiếng nhất của ông là "Cuộc chiến Herbalife" kéo dài suốt 5 năm.
Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 5/2012, khi nhà đầu tư David Einhorn cho "nổ" quả bom đầu tiên với những câu hỏi hóc búa về tính hợp pháp trong mô hình kinh doanh của Herbalife - một công ty chuyên về các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Chỉ vài phút sau đó, cổ phiếu của Herbalife rớt gần 20%, nghĩa là hơn 2 tỷ USD đã "bay màu".
Trước đó, Bill Ackman cũng đã âm thầm xây dựng chiến lược bán khống với khối lượng 20-25 triệu cổ phiếu. Đến tháng 12, ông đổ dầu vào lửa bằng một bài thuyết trình 3 tiếng với 344 slide, cho rằng Herbalife là "mô hình kim tự tháp". "Nếu tôi đúng, cổ phiếu công ty này sẽ thành mớ giấy lộn", ông khẳng định.
Tuy nhiên, một trận chiến nhỏ đã xảy ra bên trong giới đầu cơ. Những nhà đầu tư không ưa Bill Ackman như Robert Chapman, Dan Loeb, Carl Icahn,... đã phản bác lại lập luận của ông và mua vào một lượng lớn cổ phiếu Herbalife. Hai bên tranh cãi kịch liệt, nhưng cổ phiếu của Herbalife lại tăng mạnh thay vì giảm không phanh.
Rốt cuộc, Pershing Square mất trắng 1 tỷ USD, còn Bill Ackman bị điều tra vì nghi vấn thao túng giá cổ phiếu. Sự việc này sau cũng được tái hiện lại trong series phim truyền hình "Billions" của Mỹ.
Năm 2020, thị trường chứng khoán khá ảm đạm do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu. Thế nhưng, khi hầu hết mọi người đều thua lỗ, Bill đã kiếm được 2,6 tỷ USD từ cổ phiếu ngắn hạn chỉ trong 1 tháng. Với số vốn chỉ vẻn vẹn 27 triệu USD, lợi nhuận ông thu về đã đạt gấp gần 100 lần.
Ông vừa âm thầm kiếm lợi, vừa sử dụng các phương tiện truyền thông để tạo nên sự hoảng loạn cho đại chúng. Bill nhắc đi nhắc lại thông điệp "tiền mặt là vua", nói rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đang đến bên bờ vực địa ngục". Hàng loạt hành động của Bill Ackman khiến thông tin trên thị trường nhiễu loạn, còn mọi người gọi ông là kẻ hai mặt chỉ biết kiếm lợi trên xương máu của người khác.
Mặc kệ cho dư luận tranh cãi, Bill Ackman không hề để tâm. Là một tay lão làng nhiều năm lăn lộn trên thị trường tài chính, kinh nghiệm đầy mình, chưa có tình huống nào mà vị tỷ phú này chưa từng trải qua.
Bill Ackman cũng tập trung vào việc mua đi bán lại công ty, để kiếm lợi nhuận nhanh chóng trong ngắn hạn. Ông thường thay đổi mạnh mẽ cấu trúc của công ty, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài, từ đó gây ra không ít bất mãn và tranh cãi.
Năm 2018, lần đầu tiên Bill Ackman thẳng tay cắt giảm 18% nhân sự của mình, chỉ giữ lại 46 nhân viên, tự xây dựng đế chế riêng của mình. Trái với nhiều lo ngại ban đầu, thay đổi này lại giúp Pershing Square nhanh chóng trở lại đường đua sau nhiều thất bại trước đó. Khoản đầu tư của ông vào chuỗi cửa hàng Burrito Chipotle, bộ xử lý dữ liệu tự động ADP và Starbucks..., cũng mang về những khoản lợi nhuận lớn.
Thị trường chứng khoán khắc nghiệt chính là nơi Bill Ackman tung hoành. Để kiếm tiền, ông không màng đến lời bàn tán của dư luận và dư luận, giữ cho mình một tâm hồn mạnh mẽ.
(Theo Zhihu)
Nhận xét
Đăng nhận xét